Màu dân tộc trên tranh Đông Hồ

Dam cuoi Chuot

Tranh Đông Hồ ( Dong Ho Paintings ) , hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Từ ngày xưa, tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới. Thơ Tú Xương về tranh Đông Hồ ngày Tết có câu:
Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om sòm trên vách bức tranh gà
Trong bài thơ Bên kia sông đuống, Hoàng Cầm viết:
Tranh Đông Hồ, gà lợn nét tươi trong,
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

Năm 2017 là năm Đinh Dậu, hãy cùng khám phá đề tài con gà trong tranh dân gian Đông Hồ.

Ga DanTranh: Gà Đàn.

Tranh: Gà chọi

Tranh: Gà hoa hồng

Tranh gà: Dạ Xương Ngũ Canh Hòa

Tranh gà: Vinh Hoa

Tranh gà: Thư hùng

tranh ga Dai Cat

Tranh gà: Đại Cát ( Lucky Rooster )
Ngoài các đặc điểm về đường nét và bố cục, nét dân gian của tranh Đông Hồ còn nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn – hồ dùng để quét nền tranh thường được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc bột sắn, hồ nấu từ bột nếp thường dùng để dán) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên những ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng, có thể pha thêm màu khác vào hồ trong quá trình làm giấy điệp.Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang), v.v. Đây là những màu khá cơ bản, không pha trộn và vì số lượng màu tương ứng với số bản khắc gỗ, nên thường thường tranh Đông Hồ chỉ dùng tới 4 màu mà thôi.
Sáng tạo nghệ thuật trong tranh Đông Hồ không phải là cảm hứng trong sáng tác. Mỗi bản in thể hiện một truyền thuyết hoặc một câu chuyện ngụ ngôn mang tính triết lí, một bức thông điệp đầy màu sắc về đạo đức, luân lí và tín ngưỡng sâu sắc, hay một thông điệp từ hàng ngàn năm trước của cha ông.

Tranh: Cóc rước rồng

Hai chữ “rước rồng” xuất hiện trên bức tranh đi liền với hình ảnh hội hè vui vẻ. Có thể nói, chỉ với hình ảnh con cóc nhưng người nghệ nhân dân gian bằng óc tưởng tượng sáng tạo, độc đáo của mình đã vẽ nên bức tranh Cóc rước rồng nói riêng và 2 bức tranh chuột nói chung hết sức đặc sắc, sinh động.

Dam cuoi Chuot

Tranh: Đám cưới chuột

Trong dòng tranh Đông Hồ được nhiều người biết tới nhất là bức tranh Đám cưới chuột có từ 500 năm trước – một bức tranh vừa hài hước vừa châm biếm sâu xa. Hài hước ở chỗ, chuột nào lại có chuột đi rước dâu, lấy vợ; nghệ nhân dân gian đã thổi hồn vào bức tranh, nhân hoá con chuột để nó mang dáng dấp con người. Châm biếm ở chỗ chú rể chuột muốn đón dâu phải mang chim, mang cá đến cống cho mèo. Trên bức tranh có hai chữ Nghinh hôn chỉ đám cưới. Con mèo trong bức tranh đại diện cho tầng lớp thống trị xưa. Còn con chuột là hình ảnh của những người nông dân trong xã hội cũ.

Bức tranh không có chú thích gì nhưng nhìn vào ai cũng nhận thấy thâm ý của nghệ nhân dân gian. Chuột ranh ma, tinh quái, đa nghi luôn cảnh giác với loại mèo, kẻ thù không đội trời chung, lại hóm hỉnh châm biếm mèo tham của hối lộ mà quên nhiệm vụ là diệt chuột.

Bức tranh được chia làm hai phần với 12 con chuột và một con mèo. Tầng trên là cảnh chuột dâng lễ cho mèo với bốn con chuột, con đi đầu hai tay dâng lên một con chim, cong người, đuôi gập lại trông vẻ sợ sệt. Con thứ hai xách một con cá đang tiến theo sau, mắt nhìn con mèo vẻ khép nép sợ sệt không kém gì con đầu. Hai con đi cuối thổi kèn nhưng ở tư thế đề phòng bất trắc, khi có chuyện là “vọt” nhanh. Tầng dưới là cảnh đón dâu với tám con chuột. Dẫn đầu là con chuột đực, đầu đội mũ cánh chuồn, mình mặc áo thụng xanh, chân đi hia, ngồi trên lưng con ngựa hồng, quay nhìn về sau vẻ mặt vênh lên tự đắc vì đỗ tiến sĩ vinh qui lại được cưới vợ đẹp. Theo hầu phía sau là một con chuột đen cầm lọng và một con chuột khoang nửa đen nửa trắng cầm biển đề hai chữ “nghinh hôn”. Con cầm lọng vẻ nghiêm trang, con cầm biển thì tinh nghịch luôn quay đầu trở lại nhìn kiệu cô dâu. Bốn con chuột khác thì khiêng kiệu, hai con đi trước nhìn thẳng về phía trước, hai con đi sau thì quay nhìn lại phía sau không biết cố ý cho ta thấy đám rước còn dài hay là trông chừng xem ông mèo có đuổi theo sau không. Cô dâu chuột ngồi trong kiệu cũng vấn khăn, mặc áo gấm xanh nhìn chồng đang cưỡi ngựa đi phía trước vẻ tự hào mãn nguyện. Trong bức tranh hình ảnh đập vào mắt mọi người là con mèo. Con mèo được vẽ ở góc tầng trên phía tay mặt, rất to, oai vệ đang đưa tay ra nhận lễ vật. Và đó là nhân vật chính của bức tranh trào phúng này. Nhìn bức tranh không biết nhà thơ nào đã cho ra đời 4 câu thơ:

Khôn khổn khồn khôn đã có đuôi

Đỗ cao, cưới vợ tiếng rầm trời

Chú mèo vừa mới vênh đầu ngõ

Lễ cả sai quân đệ tới nơi.

Bốn câu thơ ngắn ngủi nhưng đã tỏ rõ cảnh trong bức tranh chuột vinh quy vẻ vang về làng cưới vợ đẹp. Khôn ngoan, tài giỏi nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh cúi đầu đút lót cho chú mèo. Việc làm ấy thực ra chẳng có tác dụng gì, bởi lẽ có khi nào mèo lại làm thân với chuột. Nhận của đút lót nhưng khi gặp chuột, mèo vẫn xơi như thường. Chi tiết đó cho ta thấy được cái tài tình của người xưa. Người dân quê Việt Nam xưa sống trong xã hội phong kiến không dám công khai công kích, phản kháng lại bọn quan tham nhũng, ức hiếp dân lành, nên đã mượn bức tranh chuột cưới vợ để gián tiếp lên án bọn quan tham và bày tỏ thái độ của mình. Bức tranh có cả biển, lọng, cân đai, áo, mão, ngựa hồng, kiệu hoa, kèn trống thật linh đình. Nhưng để có được cảnh vui vẻ đó, họ hàng nhà chuột phải đút lót cho mèo. Bức tranh không chỉ đả kích bọn tham quan mà còn phê phán lối thi cử đời Lê, thời Bảo Thái (1721) người nào có tiền đóng vào gọi là “tiền thông kinh”để xin đi thi thì được, không cần phải khảo hạch. Người đi thi rất đông, kẻ làm ruộng, người bán thịt, người đi buôn… một lũ hỗn độn. Trong phòng thi người lật sách ra chép, người thi hộ như phiên chợ đang họp với kẻ mua người bán mặc cả nhau. Kẻ có tài thực sự thì bị đánh rớt, kẻ dốt nát nhưng có tiền đút lót thì được tuyển chọn làm quan. Đã tốn tiền mua chức quan thì phải tìm cách lấy lại. Cuối cùng, chỉ có dân đen là gánh chịu hậu quả, còn bọn quan thì mặc sức cho đầy túi tham.

Tranh: Đàn lợn âm dương

Bức tranh lợn đàn là biểu tượng của sự sung túc, no đủ, phồn thực. Trên mình lợn có vòng khoáy Âm – Dương ngụ ý phát triển, sinh sôi nảy nở. Trong bài tranh Tết đăng trên Hà Nội báo số Tết năm 1936, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung nhận xét dí dỏm: “Trên mảnh giấy đỏ rực rỡ vừa bằng bàn tay, con lợn mẹ trắng xóa như vôi quét, mắt lim dim lờ đờ, mõm tũm tĩm như mới nghĩ được điều gì lý thú. Năm con con, con xanh, con đỏ, con trắng, con tím lúc nhúc cả dưới chân. Nội các tranh Tết “lợn mẹ lợn con” đậm đà dễ ưa hơn cả vì rõ ràng, ngộ nghĩnh, khờ dại lại là những vẻ đẹp mà hiện thời biết bao nhà mỹ thuật đang tìm kiếm ở phương Tây…”.

Tranh: Chọi trâu

Nội dung trực tiếp của bức tranh này thể hiện một tục lệ thường thấy trong lễ hội ở một số địa phương của Việt Nam. Giữa tranh là một lá cờ truyền thống thường gặp trong các lễ hội dân gian, quen gọi là cờ Ngũ sắc. Trên lá cờ có ghi dòng chữ “Hội chí lầu”. Phía sau hai con trâu là hai tấm bảng có chữ “Đông xã” và “Tống xã?”. Nếu hiểu theo nghĩa trực tiếp và gần gũi là trâu của xã Đông và xã Tống chọi nhau. Với cách hiểu này thì hai cái bảng trên bức tranh và dòng chữ “Hội chí lầu” sẽ là chi tiết thừa. Người ta chỉ cần thể hiện lá cờ biểu tượng cho lễ hội và hai con trâu là đủ. Xã Đông và xã Đoài, thôn Thượng và thôn Hạ, tổng Bắc và tổng Nam cũng có thể đem trâu chọi thi vậy? Nhưng những chi tiết này sẽ không thừa một chút nào, nếu chúng ta đặt vấn đề về nội dung sâu xa của bức tranh này. Giá trị của hình ảnh hai tấm bảng và lá cờ chính là tính hướng dẫn để tìm hiểu nội dung đích thực của nó.

Chính chữ “xã” trên bức tranh có bộ “thổ” nghĩa là “đất”; chữ “lầu” là nhà cửa; chữ “chí” trên lá cờ có nghĩa là sự cản trở, sự khó khăn phải vượt qua; chữ “hội” nghĩa là sự tập trung cho một vấn đề, mục đích…. Hình tượng con trâu – trong kinh Dịch là quái Khôn (tức Địa – đất), Thuyết quái viết: “Khôn vi địa,… vi tử mẫu NGƯU…”. Từ những ý nghĩa trên cho chúng ta một ý nghĩa gần gũi và liên hệ đến thuật Phong thủy Đông phương. Vì vậy, có thể hiểu rằng: hai tấm bảng và lá cờ trên muốn nói tới tính chất đối nghịch của Đông trạch và Tây trạch trong thuật Phong thủy (qua hình tượng hai con trâu chọi nhau). Theo quan niệm của thuật Phong thủy thì địa bàn chia làm tám hướng; trong đó có 4 hướng thuộc Đông trạch và 4 hướng thuộc Tây trạch. Tên gọi đủ của khái niệm này là: Đông tứ trạch và Tây tứ trạch. Nếu mọi chuyện chỉ dừng ở đây thì bức tranh này về nội dung sẽ không hơn một cuốn sách dạy về thuật phong thủy Đông phương phổ biến trên khắp thế giới, những ai có tìm hiểu về thuật Phong thủy đều biết điều này.

Tranh: Hứng dừa

Trong những ngày hội đầu xuân , những chàng trai cô gái đi hái lộc đầu xuân . Cây dừa cũng là biểu tượng cho hạnh phúc lứa đôi. Còn hình tượng của quả dừa cùi trắng nước trong thể hiện cho một tình yêu trong trắng của đôi trai gái. Trên thân cây dừa có một chàng trai rất to khoẻ và vạm vỡ . Chàng trai đã hái liền hai trái dừa đưa xuống cho cô gái vén váy lên hứng dừa (đây cũng là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong làng tranh).

Có một câu hỏi đặt ra là: Tại sao chàng trai lại không hái từng quả một và đưa xuống cho cô gái dùng tay để đón. Lúc này chàng trai đã nghĩ ra một trò rất tinh nghịch và tinh quái. Chàng đã hái 2 trái dừa và đưa xuống, nếu cô gái dùng tay đón thì rất khó và sẽ bị rơi, 2 quả dừa sẽ bị tách ra làm đôi, hạnh phúc cũng từ đó mà ra đi. Bí quá, cô gái không còn cách nào khác vén váy lên hứng trọn lấy 2 trái dừa, tức là hứng trọn hạnh phúc của mình.

Thơ đọc từ phải qua trái:

“Khen ai khéo dựng lên dừa

Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi”

Chỉ với mấy bức tranh dân gian này thôi, mà ngẫm nghĩ đã thấy các cụ ta ngày xưa sao mà sâu sắc đến thế. Tranh cũng rất đẹp, đẹp một cách giản dị nhưng vẫn cao sang, tao nhã và đặc biệt thấm đẫm hồnViệt. Chắc chắn nếu là người Việt Nam thuần chất ai cũng sẽ yêu thích dù trẻ hay già.

 

 

You May Also Like

About the Author: netdv

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.